Digital Signage là một lĩnh vực phát triển khá sôi động và dần trở thành nhân tố không thể thiếu trong đời sống hiện đại, với bài viết này tôi sẽ giới thiệu tổng quan về Digital Signage, sau đó đưa ra kiến trúc của một hệ thống cụ thể do tôi và đồng nghiệp đang phát triển làm ví dụ minh họa.
 
1. Digital Signage là gì?
 
Trước tiên chúng ta sẽ nói về Signage, một cách truyền thống, đó là việc thiết kế, hay sử dụng những biểu tượng (Symbols), biển hiệu (Signs), thường dưới dạng hình đồ họa trực quan nhằm truyền đạt thông điệp, hiển thị thông tin tới một nhóm đối tượng mong muốn. Signage chủ yếu tập trung tới mục đích quảng bá, định hướng, thu hút người xem vào một chủ đề nào đó để khơi gợi cảm nhận hay có thể là quyết định từ họ trên cơ sở thông tin đã chuyển tải. Chúng ta dễ dàng thấy dạng biển hiệu này có ở khắp nơi quanh đây, từ các hệ thống thông tin dịch vụ, phương tiện như bảng đồ, biển chỉ đường, hướng dẫn, đến biển chỉ định đánh số phòng, toilet, hệ thống cảnh báo giao thông, cảnh báo an toàn ...

 

[Nguồn từ: Internet]


Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thiết bị điện tử nghe nhìn, mạng truyền thông, Signage không chỉ tồn tại trên những biển hiệu thô sơ với hình thức đơn giản nữa mà đã hướng tới việc hiển thị các nội dung đa phương tiện (Multimedia Content) thông qua hệ thống bảng, màn hình điện tử nhiều màu sắc và linh hoạt hơn. Thông tin được đa dạng hóa về hình thức cũng như nội dung, hiển thị uyển chuyển và tương tác ngày càng tốt hơn với người xem chứ không còn cứng nhắc mộc mạc như xưa, đó chính là Digital Signage.


[Nguồn từ: Internet]

2. Vì sao chọn Digital Signage

Có nhiều lý do để Digital Signage trở thành lựa chọn hợp lý so với các hình thức hiển thị nội dung truyền thống

Tiết kiệm chi phí: với giá thành và độ bền của các thiết bị điện tử ngày nay, việc chi trả một lần để có hệ thống hiển thị mọi thứ, đa tính năng, hấp dẫn là rất xứng đáng.

Cập nhật nội dung từ xa: nội dung của hệ thống Digital Signage hỗ trợ cập nhật từ mọi nơi (any time), mọi lúc (anywhere).

Nội dung đa phương tiện phong phú: video, thư viện hình ảnh, trình diễn hiệu ứng không giới hạn giúp đạt được mục tiêu quảng bá cao nhất.

Tùy biến hiển thị nội dung: theo lịch lập sẵn, theo ngữ cảnh, chỉ thị thời gian thực.

Tương tác đa chiều (Multi-Interactive) thời gian thực (Real-time): người quản lý (Manager) có thể tương tác, người xem (Audience) có thể tác động lên hiển thị, hỗ trợ hệ thống sống động và linh hoạt.


3. Xu hướng phát triển của Digital Signage
 
Tôi chia quá trình phát triển, hay tiến hóa của các ứng dụng Digital Signage hiện nay làm ba mức độ chính. 
 
Giai đoạn đầu tiên, cũng là sơ khai, có từ khi các bảng điện tử, màn hình LCD bắt đầu được sử dụng làm công cụ hiển thị nội dung, nó chỉ đơn thuần là thay thế một tấm biển với vật liệu truyền thống bằng thiết bị hiển thị điện tử. Người ta thiết kế một nội dung, có thể là chữ, video, hay hình ảnh nào đó và trình chiếu, khi nào chán rồi người ta lại thay thế chúng bởi một nội dung khác bằng cách đổi đĩa, chép lại nội dung mới vào bộ lưu trữ hoặc chuyển giữa các nội dung hiển thị có sẵn trong thiết bị chơi. Như vậy, mặc dù việc hiển thị về hình thức có nội dung bắt mắt, ấn tượng, đa dạng hơn và cũng dễ dàng thay đổi để tái sử dụng hơn nhưng vẫn giống như xưa Digital Signage đơn thuần chỉ là một thiết bị hiển thị tách biệt với người xem với nội dung hoàn toàn tĩnh xét trên phương diện thời gian thực.

Giai đoạn thứ hai, đa dạng hóa dạng màn hình hiển thị, tăng cường tương tác và tùy biến nội dung theo mong muốn của người xem. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ màn hình không chỉ tạo ra các tấm hiển thị có độ phân giải rất cao (> Full HD), chất lượng ngày càng tốt, mà còn tiết kiệm năng lượng và có nhiều hình dạng, tỉ lệ khác nhau từ bé xíu cho tới siêu lớn, cong và mỏng tới mức có thể gắn lên tường hay cuộn lại như những tấm lịch, thậm chí là trong suốt... Điều đó giúp gợi mở thêm nhiều lựa chọn hơn cho việc hiển thị nội dung, làm phong phú thêm khả năng ứng dụng của Digital Signage. Ngoài ra việc tích hợp các loại sensor, cảm ứng điện tử, công nghệ thực tế ảo, đồ họa và trực quan hóa giúp tăng khả năng giao tiếp giữa hệ thống với người xem, tăng tính ảo diệu thu hút của thiết kế nội dung. Thay vì chỉ đứng nhìn như trước đây, người ta có thể chạm vào màn hình để tương tác trực tiếp với nội dung hiển thị, dùng công cụ SMS, mạng xã hội ... để tham gia vào xây dựng nội dung hiển thị thời gian thực hay cách không điểm chỉ nhờ các cảm biến nhận diện chuyển động, nhận diện trạng thái (hướng nhìn, ...), nội dung sẽ không tĩnh như trước đây mà tùy theo tương tác, tùy theo các thông tin (ngày tháng, thời tiết, ...) mà có sự thích nghi nhất định cho phù hợp.

 

 

[Nguồn từ: Internet]
 
Giai đoạn giai đoạn thứ ba, cũng là xu hướng phát triển của các thế hệ Digital Signage hiện đại ngày nay,  tính tương tác, thông minh được đẩy lên một mức cao hơn, tự động quyết định nội dung hiển thị thông qua phân tích điều kiện môi trường (Contextual Display), xử lý dữ liệu (Big Data) ... bây giờ bạn không phải xem một thông tin đã được lập sẵn nữa mà hệ thống sẽ dựa vào những phân tích tự thân nó để hiển thị nội dung thích hợp nhất với bạn. Ví dụ đơn giản nhất là nếu một đứa trẻ đứng trước màn hình, những nội dung hoạt hình, đồ chơi sẽ xuất hiện, còn một cô gái thì sẽ có hình ảnh về thời trang, mỹ phẩm ... hiệu quả của truyền tải thông tin sẽ đạt mức cao nhất, tạo ra tác động, lôi kéo lớn nhất với người xem, hệ thống hiểu người xem hơn, đồng cảm với người xem hơn.
 

[Nguồn từ: Internet]
 
Tóm lại xu hướng trong phát triển của Digital Signage ngày nay gói gọn trong vài tiêu chí: "lớn hơn, nhỏ hơn, thông minh hơn, tương tác hơn, đơn giản hơn".
 
3. Mô hình Digital Signage của chúng tôi
 
Để đáp ứng xu hướng phát triển như phân tích ở trên Tôi cùng với các đồng nghiệp đã cố gắng để thiết kế một hệ thống Digital Signage đủ uyển chuyển nhằm thích ứng với các hình thức nội dung phong phú, hướng tương tác, mang tới khả năng ứng dụng đa dạng cùng những tính năng không giới hạn. Sơ đồ dưới đây là tổng quan về hệ thống của chúng tôi.


Trong hệ thống này chúng tôi tập trung vào thiết kế tối ưu hỗ trợ tương tác đa chiều, thời gian thực và đảm bảo tính tích hợp hệ thống cao. Các hướng tương tác được phân thành 4 nhóm chính:

Tương tác trực tiếp một cách thủ công: người quản lý (Manager) hay người xem (Audience) có thể điều khiển hệ thống, nội dung thông qua các thiết bị ngoại vi như màn hình cảm ứng, bàn phím, bàn điều khiển, remote hồng ngoại, ... [mục số 7 trong hình].

Tương tác trực tiếp tự động: các thành phần (Module) ra quyết định nhờ cảm biến, xử lý thông minh và phân tích Big Data sẽ giao tiếp với thiết bị hiển thị nhằm tự động điều chỉnh nội dung [mục số 9 trong hình].

Tương tác từ xa trong phạm vi hệ thống: Người quản lý thực hiện viện điều khiển và quản lý nội dung bằng máy tính, thiết bị di động thông qua máy chủ trung tâm [mục 3, 4, 2 trong hình].

Tương tác từ xa với hệ thống bên ngoài: thông qua các giao thức chuẩn, thực hiện việc lấy dữ liệu, nhận điều khiển từ các hệ thống bên ngoài [mục 5, 2 trong hình].
 
-- BIOZ --